dimanche 22 décembre 2013

VIỆT NAM NHẬP SIÊU TỪ TRUNG QUỐC TỚI 21.6 TỶ USD



NV-(
www.nguoi-viet.com) 21/12/2013 -Theo Tổng cục Hải quan CSVN, trong 11 tháng vừa qua, nhập siêu từ Trung Quốc là 21.6 tỉ USD. Năm ngoái, con số này là 16.4 tỷ USD mà nhiều người đã cho là rất nghiêm trọng. Hàng Trung Quốc từ củ khoai củ tỏi đến quần áo, đồ nhựa, máy móc điện tử tràn lan tại Việt Nam là lý do nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt. 

Ngoài số liệu vừa kể do Tổng cục Hải quan cung cấp, đầu tuần này, tại một hội nghị bàn về việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Công Thương CSVN xác nhận, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012.

Cũng vì vậy, số liệu chính thức về nhập siêu từ Trung Quốc của cả năm 2013 chắc chắn sẽ làm nhiều người choáng váng.

Không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái và năm nay, các chuyên gia kinh tế cũng như một số viên chức Việt Nam liên tục cảnh báo nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, tại các hội thảo, hội nghị. Thậm chí là tại diễn đàn Quốc hội.

Hồi tháng sáu, thống kê cho biết, bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam chi 40.2 tỷ USD cho việc nhập cảng, trong đó có tới 10 tỷ USD chỉ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc. Ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.

Trước đó một chút, vào cuối tháng 5, ông Trương Trọng Nghĩa, một đại biểu Quốc hội Việt Nam đã từng soạn một tham luận, cũng nhằm cảnh báo về tình trạng kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ông Nghĩa yêu cầu cần phải điều tra để có đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Nghĩa cảnh báo: “Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ”. Tuy nhiên tham luận này không được những người điều hành kỳ họp hồi tháng 5 của Quốc hội CSVN cho trình bày tại diễn đàn Quốc hội bởi… “Quốc hội không đủ thời gian”.

Đến tháng 8, các chuyên gia lại tiếp tục cảnh báo về một khía cạnh khác trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Đó là kinh tế Việt Nam bị suy yếu nhanh chóng do tài nguyên bị tận thu để bán cho Trung Quốc, bất chấp nền kinh tế đang cần nội lực để hồi phục.

Chẳng hạn do thiếu than để vận hành các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam phải ký hợp đồng nhập cảng 3 triệu tấn than/năm từ Úc, trong khi đó, sáu tháng đầu năm 2013, có 2 triệu tấn than bị xuất lậu sang Trung Quốc.

Ngoài than, quặng sắt của Việt Nam cũng đang ồ ạt chảy sang Trung Quốc. Theo Hải quan Trung Quốc, năm ngoái, Trung Quốc nhập cảng 1.7 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam trong khi nhiều nhà máy thép của Việt Nam phải đóng cửa, ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.

Xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc vừa lãng phí tài nguyên, vừa thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu, nhưng không thể ngăn chặn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, nhận định, tình trạng khoáng sản của Việt Nam bị xuất lậu sang Trung Quốc kéo dài nhiều năm vì có sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp xuất cảng với những lực lượng có trách nhiệm kiểm soát.

Đối với quặng sắt, vì các nhà máy, cơ sở luyện gang thép kêu cứu do thiếu nguyên liệu, chế độ Hà Nội đã ra lệnh cấm xuất quặng thô sang Trung Quốc. Nhưng cũng tháng trước, một viên chức của Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, lệnh cấm đó bất khả thi bởi đứng sau các nhóm khai thác – xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc là con cháu nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh.

Theo một vài chuyên gia kinh tế, không thể tách tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc và những dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc ra khỏi sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị, để các bên đạt tới lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thường gọi là nhóm lợi ích.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire